omniture

CGTN: Trung Quốc đang thực hiện những gì để bảo tồn, truyền bá và chia sẻ văn hóa của quốc gia này?

CGTN
2024-09-28 07:27 3258

BẮC KINH, 28/09/2024 /PRNewswire/ -- Fan Zaixuan, một chuyên gia về phục chế tranh tường, vẫn còn nhớ rất rõ khoảnh khắc đầu tiên ông đến Hang động Mạc Cao ở thành phố Đôn Hoàng vào đêm ngày 31 tháng 3 năm 1981.

"Tôi chỉ có thể nghe thấy tiếng chuông gió từ Cửu tầng lầu, tràn ngập cảm giác bí ẩn và tôi phấn khích đến nỗi không ngủ được suốt đêm".

Hang động Mạc Cao là di tích nghệ thuật hang động Phật giáo lớn nhất và được bảo tồn tốt nhất thế giới, với 735 hang động trải dài trên vách đá dài 1.700 mét, chứa hơn 45.000 mét vuông tranh tường và hơn 2.000 tác phẩm điêu khắc đa sắc màu.

Ông Fan, hiện đã ngoài 60 tuổi, đã nỗ lực phục hồi các bức tranh tường ở Hang động Mạc Cao trong hơn 40 năm. Ông nói với CGTN rằng: "Cho đến nay, tôi đã phục hồi được một khu vực có kích thước có lẽ bằng một hang động lớn ở Hang động Mạc Cao".

Ông Fan hiểu rõ hơn ai hết rằng công tác phục chế tác phẩm nghệ thuật cổ đại đòi hỏi nỗ lực tỉ mỉ và không ngừng nghỉ từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ông đã phát triển kỹ năng của bản thân với sự giúp đỡ của những người bảo tồn cao tuổi hơn, có thể kể đến như ông Li Yunhe, người đã bước sang thập kỷ thứ 10 của cuộc đời.

Ông Li là người phục chế di sản văn hóa toàn thời gian đầu tiên của Học viện Đôn Hoàng. Ông đã cống hiến cho sự nghiệp này kể từ năm 1956.

Hiện tại, ông Fan là người cố vấn, truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm của riêng ông cho sinh viên. Ông hy vọng thế hệ trẻ sẽ tiếp tục phát huy "tinh thần Mạc Cao".

Ông Dai Chuan, một trong những học trò của Fan, sinh vào những năm 1990. Tuy nhiên, ông đã dành hơn một thập kỷ làm việc để bảo vệ các bức tranh tường ở Hang động Mạc Cao. Ông Dai bày tỏ đầy quyết tâm rằng: "Tôi cũng sẵn sàng biến di sản văn hóa Đôn Hoàng thành sự nghiệp cả đời của mình".

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chọn hang động Mạc Cao là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến thị sát tỉnh Cam Túc, tây bắc Trung Quốc vào tháng 8 năm 2019.

Ông ca ngợi văn hóa Đôn Hoàng là "viên ngọc sáng trên dòng sông trải dài của nền văn minh thế giới, là tư liệu lịch sử quý giá để nghiên cứu chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa và nghệ thuật của các dân tộc khác nhau ở thời kỳ Trung Quốc cổ đại".

Đến cuối năm 2022, học viện đã biên soạn bộ sưu tập dữ liệu số về 278 hang động, xử lý hình ảnh cho 164 hang động trong số đó và tái tạo 3D 145 tác phẩm điêu khắc sơn và bảy tàn tích, đồng thời triển khai chương trình tham quan toàn cảnh cho 162 hang động.

"Bảo tồn cội nguồn"

Tục ngữ cổ của Trung Quốc có câu: "Mọi vật trên đời đều có quy luật sinh tồn và phát triển, nhưng đều biết cách giữ gìn cội nguồn".

Chủ tịch Tập Cận Bình cũng bày tỏ quan điểm này, thường xuyên nhấn mạnh về tầm quan trọng của công tác bảo vệ di sản văn hóa. Ông tin rằng sự trường tồn của nền văn minh Trung Hoa là nhờ vào sự hiểu biết sâu sắc về cội nguồn. "Nhờ ý thức về cội nguồn, nền văn minh Trung Hoa đã phát triển và hưng thịnh cho đến ngày nay".

Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã tăng cường hệ thống và chính sách bảo vệ di sản văn hóa.

Tính đến cuối năm 2021, Trung Quốc có 108 triệu bộ di sản văn hóa lưu động do nhà nước quản lý và khoảng 767.000 bộ di sản văn hóa cố định.

Cho đến nay, Trung Quốc có 59 địa điểm được ghi vào Danh sách Di sản Thế giới của UNESCO, xếp thứ hai trên toàn cầu. Nước này cũng có 43 di sản trong Danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể của UNESCO, khiến đây trở thành quốc gia có nhiều di sản được ghi nhận nhất trên thế giới.

Được Trung Quốc khởi xướng và có sự tham gia của hơn 20 quốc gia châu Á, Liên minh Di sản Văn hóa Châu Á (ACHA) được thành lập vào năm 2023, chú trọng vào hoạt động thúc đẩy hợp tác bảo tồn di sản văn hóa châu Á cũng như kế thừa và phát triển các nền văn minh châu Á dưới nhiều hình thức khác nhau.

Trong khuôn khổ ACHA, Trung Quốc đã tham gia vào 33 dự án khảo cổ học chung tại 19 quốc gia châu Á cũng như tham gia vào các dự án bảo tồn tại 11 di tích lịch sử ở sáu quốc gia châu Á.

Cột mốc thành lập ACHA là một phần quan trọng của Sáng kiến Văn minh Toàn cầu do Chủ tịch Tập đề xuất, kêu gọi tôn trọng sự đa dạng của các nền văn minh, ủng hộ các giá trị chung của nhân loại, coi trọng sự kế thừa và đổi mới của các nền văn minh, đồng thời tăng cường giao lưu cũng như hợp tác quốc tế giữa con người với con người.

Trong nhiều năm qua, Trung Quốc vẫn luôn cam kết và có những hành động cụ thể hướng tới sự tồn tại hài hòa của nhiều nền văn minh trên thế giới. Nước này đã ký kết thỏa thuận hợp tác với 157 quốc gia trong các lĩnh vực văn hóa, di sản văn hóa và du lịch.

https://news.cgtn.com/news/2024-09-23/What-is-China-doing-to-preserve-pass-on-and-share-its-culture--1x87ZjqBig0/p.html

nguồn: CGTN