Bắc Kinh, ngày 07/10/2020 /PRNewswire/ -- Mới đây, CGTN đã đăng một bài báo về "Gia đình công nhân tàu hỏa" -- ba thế hệ đều chọn chung một nghề là bảo trì tàu hỏa. Họ là những con người đã tận mắt chứng kiến sự phát triển của công nghệ đường sắt và bài báo này thể hiện ước mơ của họ về sự phát triển của tuyến đường sắt Thanh Hải-Tây Tạng.
Đọc bài báo gốc: ở đây
"Tôi đang tiếp nối giấc mơ còn dang dở của cha và ông tôi," Li Haifeng, một thanh tra tàu hỏa tại Tổng kho Tây Ninh – nơi các chuyến tàu trên tuyến đường sắt Thanh Hải-Tây Tạng cất tiếng còi đầu tiên.
Li, 31 tuổi, đang điều tra và khắc phục những lỗi chưa được phát hiện về cơ sở vật chất của mỗi toa tàu để đảm bảo an toàn cho từng chuyến tàu. Tính đến nay, anh đã làm công việc này được bảy năm, khoảng thời gian đó có vẻ là dài nhưng cũng chỉ bằng một phần nhỏ so với thời gian làm việc của cha và ông của anh ấy.
Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh
Câu chuyện bắt đầu vào năm 1958 khi ông nội của anh là Li Wangfu, một người gốc Sơn Đông, miền Đông Trung Quốc, được chuyển công tác từ Cục Đường sắt Đan Đông đến Tây Ninh. Li Wangfu chia sẻ với CGTN: "Tôi đến đây vào ngày 15/8/1958". Ở độ tuổi 80, ông vẫn nhớ như in những ngày tháng ấy. Sau một chặng đường dài gập ghềnh, những gì hiện ra trước mắt ông là một vùng đất cằn cỗi, nơi mặt trời chiếu rọi gay gắt.
Khi tổng kho đường sắt Tây Ninh được thành lập vào tháng 10/1959, Li Wangfu trở thành một trong số ít thanh tra xe lửa trên cao nguyên thưa thớt dân cư này. Hồi đó, ông tìm tòi, phát hiện những vấn đề và thực hiện đại tu với hàng loạt công cụ thô sơ vào ban ngày và sống trong một căn hầm do ông và các đồng nghiệp tự đào trên một ngọn đồi đầy nắng và gió ở phía nam gần ga ra của nhà ga vào ban đêm.
Ông nói: "Lúc đó, chúng tôi đi đến bất cứ nơi nào họ cần". Mỗi ngày ông đều đi làm về với chiếc áo khoác ướt đẫm dầu nhớt động cơ. Sự tận tụy trong công việc của ông đã được đền đáp xứng đáng. Ông trở thành một trong những trưởng đoàn thanh tra đầu tiên trên cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng vào năm 1984, năm mà tuyến đường sắt nối Tây Ninh và Cách Nhĩ Mộc – thành phố lớn thứ nhất và thành phố lớn thứ hai của tỉnh Thanh Hải, bắt đầu hoạt động.
Hổ phụ sinh hổ tử. Sự đột phá của Li Xiujin trong lĩnh vực bảo trì tàu hỏa có sự ảnh hướng rất lớn của cha anh là Li Wangfu. Ông nhớ lại: "Cha tôi đã từng đưa tôi đi trên chuyến tàu của ông ấy, tôi cảm thấy đó thực sự là một công việc tốt." Năm 1983, ông được bổ nhiệm vào Tổng kho thành phố Cách Nhĩ Mộc. "Hồi đó, chúng tôi mất hơn hai ngày để đi từ Tây Ninh đến Cách Nhĩ Mộc, nơi cát và đá cuội bay khắp nơi."
Li Xiujin và các đồng nghiệp của mình sống trong một túp lều nhỏ bằng bùn và mang theo những chiếc búa sửa chữa để đi làm hàng ngày. Trong 37 năm qua, ông đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc của công nghệ đường sắt, những công nghệ đã tạo rất nhiều điều kiện thuận lợi cho việc kiểm tra và bảo dưỡng tàu hỏa.
Trên đà phát triển của công nghệ trong toàn quốc, vào năm 2012, hệ thống đường sắt Thanh Hải đã ra mắt một loạt các máy dò tìm tự động. Li Xiujin đã học được công nghệ hiện đại nhất và trở thành nhà phân tích tập trung của TFDS (Hệ thống phát hiện lỗi tàu hàng). "Bây giờ tôi có thể kiểm tra khoảng 300 chuyến tàu mỗi ngày trên máy tính."
Theo Li Haifeng, người thuộc thế hệ thứ ba trong gia đình này, công việc sửa chữa và bảo dưỡng trước đây phụ thuộc nhiều hơn vào kinh nghiệm nhưng giờ đây, "kỹ năng toàn diện" dựa trên bí quyết kỹ thuật cũng vô cùng cần thiết để đảm bảo an toàn cho hành khách.
Từ đầu máy hơi nước đến tàu điện
Trong những năm 1950 và 1960, những âm thanh "xình xịch" và những chuyến đi dài nhiều ngày là đặc trưng của tàu hỏa thời này, thời kỳ thống trị của đường sắt hơi nước. Đầu máy hơi nước đã đưa thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên và từ đó đã hình thành nên nền văn minh nhân loại trong 150 năm tiếp theo.
Ở Trung Quốc, việc sản xuất và sử dụng đầu máy hơi nước tiếp tục được duy trì cho đến cuối những năm 1980 mặc dù hầu hết những động cơ này đều đã bị thay thế. Vào những năm 1960, tàu hơi nước là "đầu tàu" cho sự phát triển của mạng lưới đường sắt toàn quốc, giúp thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Li Wangfu đã chứng kiến những động cơ cổ điển này lần lượt bị thay thế và sau đó là sự ra mắt của tàu hỏa đốt trong và cuối cùng là tàu điện. "Chúng ta giờ đây đều được sử dụng điện".
Trong những thập kỷ qua, công nghệ tàu hỏa của Trung Quốc đã lỗi thời. Con trai và cháu trai của ông đã chứng kiến những sự phát triển khó đoán định được. Li Haifeng cho biết "Trước đây trên đoạn Tây Ninh-Cách Nhĩ Mộc, tàu chỉ chạy với tốc độ khoảng 50 km một giờ, nhưng bây giờ nó có thể đạt 160 km".
Trung Quốc hiện đang có mạng lưới đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới, cùng với các phương pháp kiểm tra tiên tiến nhất đối với các phương tiện và thiết bị trên tàu.
Li Xiujin cho biết: "Chúng tôi đã chuyển từ lao động chân tay nặng nhọc sang lao động trí óc, giống như một bác sĩ trong bệnh viện. Chúng tôi chỉ cần ngồi trong nhà, xem hình ảnh được chụp bằng camera tốc độ cao và báo cáo sự cố cho các nhân viên kiểm tra tại chỗ với sự trợ giúp của TFDS."
Đối với Li Haifeng, công việc đã đỡ vất vả hơn nhưng đòi hỏi chuyên môn cao hơn. Con tàu mà anh làm việc có một bộ lọc tia cực tím được lắp sẵn trong cửa sổ, máy tạo ôxy và thiết bị xử lý phân tự động cùng với nhiều thiết bị mới khác.
Li Haifeng chiêm nghiệm "Làm việc trên tàu rất khó khăn, vì bạn cần phải chú ý đến sự an toàn của mỗi hành khách. Việc này cũng giống như trở thành một 'bác sĩ', người biết mọi thứ về chuyến tàu và đưa ra đơn thuốc phù hợp".