omniture

CGTN: Trung Quốc công bố kế hoạch chi tiết để trở thành quốc gia đi đầu về đổi mới trên thế giới

CGTN
2020-11-05 17:41 2167

BẮC KINH, ngày 04/11/2020 /PRNewswire/ -- Trung Quốc đã hoạch định các biện pháp và lĩnh vực ưu tiên để biến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trở thành quốc gia hàng đầu về đổi mới trên toàn cầu trong 15 năm tới, đồng thời cam kết tạo ra những đột phá lớn trong các công nghệ chủ chốt và cốt lõi.

Theo toàn văn đề xuất phát triển của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) được công bố hôm thứ Ba vừa qua, đất nước tỷ dân này sẽ theo đuổi sự phát triển dựa trên đổi mới và thực hiện một số dự án chiến lược trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, thông tin lượng tử, mạch tích hợp, đời sống và sức khỏe, khoa học não bộ, chăn nuôi, khoa học hàng không và công nghệ cũng như khám phá sâu về Trái đất và đại dương.

Văn kiện này bao gồm các đề xuất của lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc về việc xây dựng Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025, KH5n) đối với việc Phát triển kinh tế và xã hội quốc gia và các Mục tiêu dài hạn với tầm nhìn đến năm 2035, đã được thông qua tại phiên họp toàn thể lần thứ 5 của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19 kết thúc vào ngày 29/10.

Đọc bài báo gốc: tại đây.

Tự lực về khoa học và công nghệ

Trong bài phát biểu diễn giải về các đề xuất này, ông Tập Cận Bình, Tổng bí thư Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhấn mạnh Trung Quốc nên tập trung vào việc thúc đẩy phát triển chất lượng cao trong giai đoạn KH5n lần thứ 14 của mình.

Theo các đề xuất, để hướng tới mục tiêu này, Trung Quốc cam kết sẽ giữ vững vai trò trung tâm của các hoạt động đổi mới trong quá trình hiện đại hóa và lấy phương châm tự lực về khoa học và công nghệ làm nền tảng chiến lược cho sự phát triển quốc gia.

Văn kiện cũng cho biết Trung Quốc sẽ cải thiện hệ thống đổi mới quốc gia và tăng tốc quá trình xây dựng đất nước trở thành một cường quốc về khoa học và công nghệ.

Ông Wang Zhigang, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: "Một mặt, chúng tôi sẽ nâng cao năng lực của mình trong việc đổi mới độc lập bởi chúng ta không thể mua được các công nghệ cốt lõi và then chốt.

Mặt khác, chúng tôi cũng hy vọng sẽ học hỏi được nhiều kinh nghiệm tiên tiến hơn từ các nước khác, đồng thời chia sẻ với thế giới những thành tựu khoa học và công nghệ của Trung Quốc và đóng góp "trí tuệ Trung Quốc" vào quá trình giải quyết các thách thức toàn cầu".

Văn kiện nhấn mạnh "vai trò chủ đạo" của doanh nghiệp trong đổi mới, cam kết nâng cao năng lực đổi mới của các doanh nghiệp Trung Quốc.

Văn kiện cũng chỉ ra rằng Trung Quốc sẽ thúc đẩy việc xây dựng các phòng thí nghiệm quốc gia, lập kế hoạch và phát triển các trung tâm khoa học quốc gia cùng các trung tâm đổi mới khu vực, đồng thời hỗ trợ thành lập các trung tâm đổi mới khoa học và công nghệ quốc tế ở Bắc Kinh, Thượng Hải và Khu vực Vịnh lớn Quảng Đông-Hồng Kông-Macao.

Các ngành chiến lược mới xuất hiện và phát triển xanh

Văn kiện cũng xác định một số "ngành chiến lược mới xuất hiện", bao gồm công nghệ thông tin thế hệ mới, công nghệ sinh học, năng lượng mới, vật liệu mới, thiết bị cao cấp, phương tiện năng lượng mới, bảo vệ môi trường, hàng không vũ trụ và thiết bị hàng hải, cũng như cam kết đẩy nhanh sự phát triển của các ngành này.

Các đề xuất kêu gọi sự tích hợp sâu rộng của Internet, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo với các ngành khác nhau, tạo điều kiện phát triển cụm sản xuất tiên tiến, xây dựng một loạt các ngành chiến lược mới nổi để làm động lực tăng trưởng mới và ươm mầm công nghệ mới, sản phẩm mới, mô hình kinh doanh mới và các hình thức kinh doanh mới.

Trong khi đó, cũng theo văn kiện này, Trung Quốc sẽ đưa ra một loạt các biện pháp để tạo điều kiện thúc đẩy tổng thể sự chuyển đổi xanh của quá trình phát triển kinh tế và xã hội.

Trung Quốc sẽ giảm cường độ phát thải các-bon, hay lượng khí thải các-bon trên một đơn vị GDP và lập kế hoạch hành động để đạt được mục tiêu lượng phát thải CO2 lên mức cao nhất trước năm 2030.

Cam kết này là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm thúc đẩy sự phát triển xanh và cuộc cách mạng xanh toàn cầu trong thời kỳ hậu COVID.

Vào tháng 9, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chia sẻ rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đặt mục tiêu đạt được sự trung hòa các-bon vào năm 2060.

Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh trong một bài phát biểu tại Phiên thảo luận chung cấp cao, kỳ họp thứ 75 của Đại hội đồng Liên hợp quốc trên nền tảng trực tuyến: "COVID-19 là lời cảnh tỉnh cho chúng ta rằng nhân loại nên bắt đầu một cuộc cách mạng xanh và cần có những biện pháp quyết liệt hơn để tạo ra một phương thức phát triển và lối sống xanh".

Ông kêu gọi tất cả các nước phải có "những bước đi quyết định" để thực hiện Thỏa thuận Paris 2015 về biến đổi khí hậu và cam kết rằng Trung Quốc sẽ "đạt đỉnh phát thải CO2 trước năm 2030 và đạt được mục tiêu trung hòa các-bon trước năm 2060."

"Chiến thắng trong tầm tay" nhờ đạt được mục tiêu "xã hội tiểu khang"

Cũng theo văn kiện này, Trung Quốc đã đạt được "những thành tựu mang tính quyết định" trong việc đảm bảo hoàn thành mục tiêu xây dựng một xã hội thịnh vượng vừa phải (được gọi là "xiaokang" theo tiếng Trung – hay xã hội tiểu khang) về mọi mặt. Văn kiện khẳng định Trung Quốc đã có "chiến thắng trong tầm tay" nhờ đạt được mục tiêu "xã hội tiểu khang".

Trong bài phát biểu diễn giải của mình, ông Tập cho biết Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ thực hiện đánh giá và rà soát có hệ thống đối với việc xây dựng một xã hội thịnh vượng vừa phải về mọi mặt trong nửa đầu năm 2021 trước khi chính thức công bố đạt được mức thịnh vượng vừa phải trong toàn xã hội.

Ông nhấn mạnh, đây vẫn là cam kết chắc chắn của Đảng với nhân dân trong việc xây dựng toàn diện một xã hội thịnh vượng ở mức độ cao hơn vì lợi ích của hơn 1 tỷ người vào thời điểm Đảng Cộng sản Trung Quốc kỷ niệm 100 năm thành lập vào năm tới.

Các đề xuất cũng nêu rõ về quyết định của Trung Quốc trong việc xây dựng một mô hình phát triển mới mà ở đó, thị trường trong nước và quốc tế có thể thúc đẩy lẫn nhau với phương châm thị trường nội địa là trụ cột, đồng thời cam kết tiếp tục nâng cao mức độ mở cửa.

Văn kiện cũng đề xuất hỗ trợ cho các đặc khu hành chính Hồng Kông và Macao trong việc nâng cao lợi thế cạnh tranh và đóng góp sự phát triển của chính họ vào sự phát triển chung của đất nước.

nguồn: CGTN
Related Links: