BẮC KINH, ngày 20/11/2020 /PRNewswire/ -- Trong một thế giới bị xáo trộn bởi đại dịch COVID-19 và trong bối cảnh căng thẳng leo thang với Hoa Kỳ, Trung Quốc đã chuẩn bị kỹ lưỡng một mô hình kinh tế mới có tên mô hình tuần hoàn kép – "dual circulation" (bao gồm tuần hoàn trong và ngoài nước), kỳ vọng sẽ định hình kế hoạch chi tiết của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong 5 năm tới.
Mô hình mới, "tuần hoàn kép", còn được gọi là "động lực phát triển kép", đề cập đến hai vòng tuần hoàn kinh tế: thương mại trong và ngoài nước, nhưng tập trung nhiều hơn vào thị trường trong nước. Ngay lập tức, các cuộc thảo luận sôi nổi đã nổ ra với nhiều ý kiến cho rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ "hướng về thị trường nội địa", vì có lập luận cho rằng tập trung vào thương mại trong nước có nghĩa là "đóng cửa" với thế giới bên ngoài.
Đọc bài báo gốc tại đây.
Tuy nhiên, đối với Bắc Kinh, mở cửa dường như là một kế hoạch dài hạn mà chính quyền Trung Quốc không muốn từ bỏ. Hôm thứ Ba, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh BRICS (Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới) lần thứ 12 rằng Trung Quốc sẽ luôn "tích cực hội nhập vào thị trường toàn cầu". Chủ tịch Tập nhấn mạnh không những không thu hẹp hoạt động mở cửa, Trung Quốc còn đón nhận thế giới với một vòng tay rộng mở hơn.
BRICS là từ viết tắt của một khối thị trường mới nổi bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Cuộc họp hôm thứ Ba do Nga, quốc gia giữ chức chủ tịch luân phiên BRICS năm 2020 tổ chức.
Ông Tập cũng nói thêm rằng Trung Quốc sẽ nỗ lực gấp đôi để mở rộng nhu cầu trong nước, cải cách sâu rộng về mọi mặt và thúc đẩy đổi mới khoa học, công nghệ để tạo thêm động lực cho sự tăng trưởng kinh tế của mình.
Giáo sư Gao Liankui của EU Business School (Trường Kinh doanh EU) nhận xét trong một bài báo đăng trên Global Times: "Việc tăng cường lưu thông nội địa không hề mâu thuẫn với chính sách mở cửa của Trung Quốc. Mô hình phát triển mới... được đưa ra dựa trên sự phát triển khách quan của nền kinh tế Trung Quốc với sự nâng cấp cơ cấu công nghiệp và mở rộng thị trường trong nước."
Giáo sư Gao cũng khẳng định trong bài viết: "Cùng với phát triển công nghệ, một chủ thể kinh tế sẽ thấy các lợi thế so sánh của mình thay đổi, dẫn đến việc thay thế nhập khẩu ở mức độ nhất định. Đó không phải là con đường duy nhất của Trung Quốc".
Cũng tại cuộc họp BRICS, Chủ tịch Tập nhấn mạnh sự cần thiết của tinh thần đoàn kết quốc tế trong cuộc chiến chống lại virus corona. Ông nói: "Chúng ta cần phải vượt qua những khác biệt và thành kiến với tinh thần đoàn kết và tôn trọng lẽ phải, đồng thời tạo nên sức mạnh tổng hợp lớn nhất trong cuộc chiến chống vi-rút".
Cam kết trung hòa các-bon của Trung Quốc
Cũng tại cuộc họp BRICS, ông Tập đã nhấn mạnh cam kết của đất nước tỷ dân về việc đạt được mức độ trung hòa các-bon trước năm 2060. Theo các chuyên gia, mục tiêu đó sẽ buộc Bắc Kinh phải đạt được mức phát thải gần như bằng 0 vào năm 2050.
Ông tuyên bố Trung Quốc sẽ mở rộng quy mô đóng góp do quốc gia tự quyết định và phấn đấu đạt mức phát thải khí CO2 tối đa vào năm 2030 và khẳng định "các quốc gia có thể tin tưởng vào việc Trung Quốc sẽ thực hiện đúng với cam kết của mình".
He Jiankun, Phó chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Biến đổi Khí hậu, chia sẻ với Tân Hoa xã: "Để đạt được mức độ trung hòa các-bon vào năm 2060, cần phải có sự chuyển đổi lớn trong tất cả các khía cạnh của hệ thống xã hội, kinh tế, năng lượng và công nghệ". Điều này đồng nghĩa với việc năng lượng mới và năng lượng tái tạo sẽ được coi là yếu tố quyết định chủ đạo.
Dữ liệu chính thức cho thấy lượng phát thải khí CO2 của Trung Quốc năm 2018 thấp hơn 45,8% so với năm 2005, đồng nghĩa với việc Trung Quốc đã đạt mục tiêu giảm phát thải trước thời hạn hai năm.
Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc cũng đã sắp xếp các phương án để thúc đẩy "phát triển xanh". Trung Quốc đã thúc đẩy hoạt động buôn bán khí thải các-bon tại 7 tỉnh thành – bao gồm cả Bắc Kinh và Thượng Hải – kể từ năm 2011 để khám phá các cơ chế dựa trên thị trường nhằm kiểm soát lượng khí thải nhà kính.
Ông Tập chia sẻ tại cuộc họp hôm thứ Ba rằng Trung Quốc đã sẵn sàng thực hiện các trách nhiệm quốc tế tương xứng với mức độ phát triển của mình.
Xây dựng quan hệ đối tác BRICS trong cuộc cách mạng công nghiệp mới
Đối với quan hệ đối tác BRICS, ông Tập nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với các thành viên BRICS khác để thúc đẩy việc xây dựng quan hệ đối tác BRICS trong cuộc cách mạng công nghiệp mới.
Theo như thông báo của Chủ tịch nước Trung Quốc tại cuộc họp, cụ thể, Trung Quốc sẽ thành lập một trung tâm đổi mới để hỗ trợ mối quan hệ đối tác này tại thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, ở phía đông nam Trung Quốc. Cũng theo Chủ tịch Tập, trung tâm đổi mới sẽ tạo điều kiện hợp tác trong các lĩnh vực bao gồm điều phối chính sách, đào tạo nhân sự và phát triển dự án.
Nhóm các quốc gia BRICS được thành lập vào năm 2009 nhằm thiết lập một trật tự thế giới bình đẳng, dân chủ và đa cực, đồng thời giúp hình thành một hệ thống tiền tệ quốc tế ổn định, dễ dự đoán và đa dạng hơn.
Nhà bình luận chính trị Freddie Reidy làm việc tại London chỉ ra rằng: "BRICS đóng vai trò như một liều thuốc giải độc cho G7 và các thể chế khác do Hoa Kỳ thống trị. Điều này (sự thành lập ra nhóm này) thể hiện nhu cầu tìm kiếm một loại tiền tệ dự trữ toàn cầu mới, do đó dẫn đến sự sụt giảm giá trị ngay lập tức của đồng đô la, thể hiện tầm ảnh hưởng đáng kể của nhóm các quốc gia này."
Chủ tịch Tập cũng kêu gọi các quốc gia BRICS giương cao ngọn cờ chủ nghĩa đa phương, bảo vệ các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và trật tự quốc tế dựa trên luật pháp quốc tế.
Ông nhấn mạnh trong bài phát biểu của mình rằng phúc lợi của người dân phải luôn được đảm bảo, đồng thời kêu gọi các quốc gia BRICS theo đuổi tầm nhìn hướng tới một cộng đồng với một tương lai chung cho nhân loại.
Ông Tập cũng chỉ ra rằng, hiện tại, thế giới đang phải đối mặt với đại dịch nghiêm trọng nhất trong cũng như những thay đổi quan trọng chưa từng thấy trong một trăm năm qua. Đại dịch COVID-19 đã đẩy thế giới vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ thời kỳ Đại Suy thoái trong những năm 1930.
Ông cho biết: "Bất chấp tất cả những điều này, chúng tôi vẫn tin rằng chủ đề của thời đại chúng ta — hòa bình và phát triển — vẫn không thay đổi và xu hướng đa cực và toàn cầu hóa kinh tế vẫn là điều tất yếu".