omniture

CGTN: Cách tiếp cận mới: Trung Quốc thúc đẩy nghiên cứu và phát triển cũng như tiêm chủng vaccine COVID-19 như thế nào

CGTN
2022-12-21 23:37 5102

BẮC KINH, 21/12/2022 /PRNewswire/ -- Trung Quốc hiện đang ưu tiên tăng cường tiêm chủng vaccine COVID-19, đặc biệt là đối với các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như người lớn tuổi để củng cố khả năng bảo vệ người dân khỏi virus.

Chiến lược này đang trở nên nổi bật hơn khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp chống dịch bệnh, giúp cân bằng hai mục tiêu kiểm soát dịch bệnh và sinh kế xã hội.

Ông Zhong Nanshan, chuyên gia hàng đầu về dịch tễ học và bệnh hô hấp của Trung Quốc đề xuất tại một hội nghị y tế vào ngày 9/12 rằng trọng tâm của các chính sách chống COVID-19 nên chuyển từ "tránh lây lan" sang "ngăn ngừa lây lan nghiêm trọng". Ông nhấn mạnh rằng việc tiêm chủng đầy đủ đóng một vai trò quan trọng trong bối cảnh đất nước triển khai các biện pháp tối ưu hóa mới.

Ông Zhong cho biết cách tốt nhất để củng cố hệ thống miễn dịch của người dân với COVID-19 là tiêm mũi nhắc lại thứ hai bằng một loại vaccine khác – phát triển dựa trên một công nghệ khác – để được bảo vệ tối đa.

Giai đoạn nghiên cứu và phát triển được triển khai sớm

Trung Quốc đã phát triển hơn mười hai loại vaccine COVID-19, đồng thời cũng đã đạt được tiến bộ đáng kể trong quá trình phát triển vaccine theo năm công nghệ khác nhau bao gồm vaccine bất hoạt, vaccine vector virus, vaccine protein tái tổ hợp, vaccine cúm sống giảm độc lực và vaccine axit nucleic.

Quốc gia này đã bắt đầu phát triển vắc xin ngay từ đầu năm 2020, sau khi phân lập thành công chủng coronavirus mới đầu tiên trong đợt bùng phát đầu tiên. Trung Quốc đã giới thiệu loại vaccine COVID-19 đầu tiên được phép tiêm cho người dân trên cơ sở có điều kiện vào ngày 31 tháng 12 năm 2020, chưa đầy một năm sau khi dịch bệnh bùng phát.

Trong vòng ba năm kể từ khi đại dịch bùng phát, Trung Quốc đã phê duyệt 13 loại vaccine COVID-19, bao gồm năm loại vaccine bất hoạt, năm loại vaccine protein tái tổ hợp, hai loại vaccine vector virus và một loại vaccine cúm sống giảm độc lực. Về phương thức tiếp nhận, 11 trong số đó là thuốc tiêm, một là thuốc hít và một là thuốc xịt mũi.

Theo ông Zhu Tao, đồng sáng lập kiêm giám đốc khoa học của CanSino Biologics Inc, vaccine dạng hít và thuốc xịt mũi rất khác biệt và đã "mô phỏng quá trình lây nhiễm tự nhiên", tạo ra lớp bảo vệ có hệ thống, hình thành hàng rào miễn dịch đầu tiên ngăn chặn sự xâm nhập của virus vào đường hô hấp.

Nhiều loại vaccine trở nên hữu ích khi đất nước phát động chiến dịch kêu gọi mọi người tiêm mũi nhắc lại thứ hai. Theo kế hoạch được Ủy ban Y tế Quốc gia (National Health Commission, NHC) công bố vào ngày 13 tháng 12 năm 2022, tám loại vaccine đủ điều kiện sử dụng làm mũi nhắc lại thứ hai trong kế hoạch vì đó là các loại vaccine khác với hai loại vaccine bất hoạt của Sinopharm, Sinovac và một loại vắc xin tái tổ hợp của CanSino – những loại vaccine mà phần lớn người dân Trung Quốc đã được tiêm.

Tại hội nghị, ông Zhong cho biết rằng khả năng bảo vệ khỏi COVID-19 được "tăng cường đáng kể" sau khi tiêm hai loại vaccine khác nhau.

Trong suốt ba năm, Trung Quốc đã thực hiện thành công chiến dịch tiêm chủng để bảo vệ người dân với sự hỗ trợ của công nghệ phát triển vaccine tiên tiến trong bối cảnh virus đã tiến hóa thành nhiều biến chủng và hoành hành khắp thế giới.

Cho đến nay, ba loại vaccine do Trung Quốc phát triển đã được Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization, WHO) phê duyệt sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Trung Quốc cũng có nhiều kế hoạch tiêm chủng sử dụng vaccine COVID-19 được phát triển trong nước nhất với các loại vaccine virus bất hoạt, vector virus và protein tái tổ hợp. Một loại vaccine COVID-19 mRNA do Trung Quốc phát triển đã được Indonesia cấp phép sử dụng khẩn cấp vào tháng 9.

Tăng cường tiêm chủng cho người cao tuổi

Trung Quốc đã tăng cường tiêm chủng cho người cao tuổi để củng cố khả năng bảo vệ trước các đợt lây nhiễm COVID-19 vì đây là đối tượng có nguy cơ gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng sau khi bị nhiễm bệnh cao.

Tính đến ngày 28 tháng 11 năm 2022, 86% người trên 60 tuổi đã được tiêm chủng đầy đủ, tuy nhiên chỉ có khoảng 65% người trên 80 tuổi hoàn thành việc tiêm chủng. Khoảng 25 triệu người trên 60 tuổi chưa được tiêm vaccine.

Ông Xia Gang, một quan chức của Cục Quản lý Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Quốc gia cho biết nguyên nhân là do những người lớn tuổi còn thiếu nhận thức và lo ngại về việc phải tiêm vaccine.

Ông Zheng Zhongwei, trưởng nhóm nghiên cứu và phát triển vaccine của NHC giải thích trong một cuộc phỏng vấn rằng "độ an toàn của vaccine COVID-19 do Trung Quốc phát triển cũng tương đương với các loại vaccine hiện có khác", đồng thời cho biết thêm rằng dữ liệu cho thấy tỷ lệ xảy ra phản ứng bất lợi ở người cao tuổi "thậm chí có thể thấp hơn một chút so với những người trẻ tuổi".

Với dân số 1,4 tỷ người, Trung Quốc đã tiêm gần 3,46 tỷ liều vaccine COVID-19 trên toàn quốc và cung cấp hơn 2 tỷ liều cho thế giới.

https://news.cgtn.com/news/2022-12-19/New-Approaches-How-China-pushes-COVID-19-vaccine-R-D-and-inoculation-1fTyJSviqbe/index.html

 

nguồn: CGTN