BẮC KINH, ngày 08/12/2020 /PRNewswire/ -- Theo báo cáo của Science and Technology Daily (Nhật báo khoa học và công nghệ) | IUSTC:
Trước tác động sâu rộng trên toàn cầu của COVID-19 trong năm 2020, nền kinh tế số đã cho thấy những tiềm năng lớn trong nỗ lực ứng phó chung trước đại dịch trên thế giới.
Theo ước tính của một báo cáo do Oxford Economics công bố, tỷ trọng của nền kinh tế số trong GDP toàn cầu sẽ tăng từ 15% lên khoảng 25% vào năm 2025. Hiện tại, xét về quy mô nền kinh tế số, Hoa Kỳ đang đứng đầu, tiếp theo là Trung Quốc, rồi đến Đức, Nhật Bản và Vương quốc Anh.
Xu hướng phát triển này đã đưa "kinh tế số" trở thành tâm điểm trên trường quốc tế. Những chủ đề liên quan đến kinh tế số đã trở thành điểm nóng, được thúc đẩy trong các khuôn khổ hợp tác song phương và đa phương.
"Tiểu diễn đàn kinh tế số" của "Diễn đàn Bắc Kinh-Tokyo" lần thứ 16 đã được tổ chức vào ngày 1/12 vừa qua. 12 chuyên gia và học giả của Trung Quốc và Nhật Bản đã trao đổi về khả năng hợp tác giữa hai quốc gia và đã đạt được sự đồng thuận về các vấn đề liên quan trong phiên họp này.
Một chủ đề mới: Mối liên hệ giữa nền kinh tế số và quản trị xã hội?
Chúng ta sẽ xây dựng loại hình xã hội số nào? Ông Zhao Jiannan, Phó Chủ tịch Thương mại kiêm Trưởng đại diện Đông Bắc Á của Tencent Cloud nhấn mạnh tầm quan trọng của nền kinh tế số: "Công nghệ số đóng vai trò là "dây chằng" của hoạt động kinh tế và xã hội, giúp giảm bớt "tác động mạnh" thông qua "khả năng chống chịu cao" và tiết kiệm nguồn lực cho "mô hình phục hồi hình chữ V" của các ngành trong quá trình nhanh chóng vượt qua những khó khăn kinh tế do đại dịch gây ra."
Công nghệ số có thể đóng vai trò gì trong việc hỗ trợ nền kinh tế số và thậm chí là trong quản trị xã hội?
Phó Chủ tịch Alibaba, ông Liu Song, chỉ ra rằng quản trị số có khả năng trở thành một định hướng quan trọng để nâng cao năng lực quản trị toàn cầu từ góc độ cuộc chiến khoa học và công nghệ của Trung Quốc trước đại dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế. Đồng quản trị đa nguyên dựa trên công nghệ số sẽ trở thành một hình thức đổi mới của quản trị xã hội và quản trị thành phố. Hầu hết các chuyên gia tại hội nghị đều đồng ý với ý kiến này và họ tin rằng châu Á sẽ trở thành một khu vực quan trọng để tiến hành các thử nghiệm số hóa toàn cầu.
Khi trả lời về cách quản lý dữ liệu, đặc biệt là trong xác nhận dữ liệu xuyên biên giới, thuế và các vấn đề chung khác mà nhiều quốc gia phải đối mặt, ông Liu giải thích bằng cách chia sẻ kinh nghiệm trị thủy của người Trung Quốc cổ đại. Ông cho biết: "Các yếu tố dữ liệu ngày nay cũng giống với các yếu tố nước. Quản lý dữ liệu cũng tương tự như kiểm soát nước, không nên để dữ liệu bị tắc nghẽn hoặc phân tán. Do sự đa dạng và biến đổi của các yếu tố dữ liệu, chúng ta không thể áp dụng các quy tắc cứng nhắc để điều phối tính lưu động."
Các khách mời tham dự từ cả hai phía đều nhất trí rằng kỷ nguyên kinh tế số đã bắt đầu, tri thức và thông tin số đã trở thành yếu tố then chốt của sản xuất và là động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội.
Nền kinh tế số được kỳ vọng sẽ mang lại một cuộc cách mạng công nghệ mới, vậy làm thế nào chúng ta có thể cho thấy sự đổi mới mạnh mẽ và phát triển theo hướng có trật tự và có quy định?
Fang Hanting, chủ tọa diễn đàn phía Trung Quốc và là Phó chủ tịch của Science and Technology Daily, đã minh họa rằng đổi mới và quy định vốn là hai thái cực. Nếu không có một quá trình đổi mới nhất định thì không thể xác định được mục tiêu nào cần chỉnh lý hoặc mục tiêu nào cần lới lỏng. Ngược lại, nếu không tính đến hàng loạt rủi ro do những thay đổi trong giai đạn mới của quá trình cách tân, đổi mới thì cũng sẽ nảy sinh nhiều vấn đề khó lường. Nếu nhìn ở góc độ khác, đổi mới là một hình thức đột phá, còn luật định lại đóng vai trò là lá chắn giúp bảo vệ đổi mới. Hai yếu tố này vừa kiềm chế và vừa củng cố lẫn nhau.
Lấy công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) làm ví dụ, ông Toshio Iwamoto, Giám đốc ban cố vấn doanh nghiệp của NTT DATA Corporation, đề xuất rằng các nhà phát triển dữ liệu của công nghệ AI cần phải xây dựng các quy tắc sử dụng dữ liệu cùng những quy định liên quan để hạn chế người dùng dữ liệu. Ông Norihiro Suzuki, Giám đốc điều hành kiêm Giám đốc công nghệ của Hitachi, đề xuất rằng việc sử dụng dữ liệu đòi hỏi phải có kiến thức chuyên sâu hơn để cân bằng giữa lợi ích cá nhân và lợi ích công cộng một cách toàn diện.
Điểm khởi đầu mới: Củng cố lòng tin giữa các bên về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực ( RCEP)
An ninh số là chủ đề chính được thảo luận tại diễn đàn.
Ông Tatsuya Ito, thành viên Hạ viện Nhật Bản cho biết Trung Quốc đã tận dụng công nghệ số một cách hiệu quả trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19.
Ông Norihiro Suzuki chỉ ra rằng các nước khác nhau sẽ có những bối cảnh khác nhau và chúng ta cần xem xét toàn diện các yếu tố như thể chế và hệ thống để thảo luận các vấn đề liên quan. Ông hy vọng rằng Nhật Bản và Trung Quốc có thể tìm hiểu sâu hơn về khả năng hợp tác trong lĩnh vực này.
Fang Hanting nhấn mạnh rằng Trung Quốc và Nhật Bản, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp của cả hai nước, cần nghiêm túc xem xét cách thức tăng cường hợp tác trong chuỗi công nghiệp số và đảm bảo nguồn cung của chuỗi công nghiệp không bị gián đoạn trong khi sử dụng và duy trì nguồn cung này dưới dạng một sản phẩm công cộng.
Xu Zhiyu, Chủ tịch phụ trách các vấn đề chính phủ toàn cầu của công ty TNHH Huawei Technologies nhấn mạnh rằng Huawei luôn lấy an ninh mạng và bảo vệ quyền riêng tư của người dùng làm tôn chỉ và phương châm quan trọng nhất trong hoạt động kinh doanh của mình. Trong hơn 30 năm qua, Huawei đã phục vụ khách hàng ở hơn 170 quốc gia, khu vực và chưa bao giờ nhận được bất kỳ yêu cầu nào từ chính phủ về việc cung cấp thông tin người dùng. Huawei sẽ không bao giờ mạo hiểm với quyền lợi của khách hàng hay khả năng tồn tại và hoạt động của công ty.
Các khách mời hai bên cũng đề cập đến "Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)" vừa được ký kết. Họ nhất trí rằng trong bối cảnh quá trình số hóa còn nhiều bất ổn, việc ký kết thỏa thuận này mang đến cơ hội hợp tác quốc tế hiếm có trong lĩnh vực công nghệ và công nghiệp số. Triển vọng hợp tác Trung - Nhật trong khuôn khổ song phương và thậm chí là đa phương đều vô cùng hứa hẹn.
Vào ngày 8/9/2020, Trung Quốc đã đưa ra Sáng kiến An ninh Dữ liệu Toàn cầu tại một hội thảo quốc tế về "Nắm bắt các cơ hội số để hợp tác và phát triển". Đề cập đến sự bất cân xứng thông tin đang tồn tại giữa Trung Quốc và Nhật Bản ở một mức độ nhất định, ông Fang nhấn mạnh rằng các phương tiện truyền thông của cả hai phía nên cung cấp thông tin phù hợp cho công dân của họ để thiết lập nền tảng tin cậy lẫn nhau càng sớm càng tốt. "Chúng tôi tin rằng chúng ta nên tôn trọng chủ quyền số của nhau, xây dựng lòng tin về nền tảng số của nhau trong khuôn khổ Liên hợp quốc và thực hiện hội nhập nền kinh tế số trong khu vực theo các khuôn khổ đa phương như RCEP."
Một hướng đi mới: Hợp tác cởi mở để cùng tạo ra một tương lai số của khu vực
Giống như một cuộc thi đấu thể thao được chuyển sang một đấu trường mới, cuộc cách mạng công nghệ và chuyển đổi công nghiệp mới sẽ định hình lại cấu trúc của nền kinh tế toàn cầu. Tại diễn đàn, các đại biểu đều nhất trí rằng Trung Quốc và Nhật Bản cần nhanh chóng nắm bắt xu thế và cơ hội, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp của cả hai nước. Tất cả các bên liên quan của hai phía không nên mất quá nhiều thời gian để chờ đợi và xem xét tình hình. Lời kêu gọi từ kỷ nguyên công nghệ mới cần có sự tham gia và hợp tác tích cực.
Ông Taro Shimada, Giám đốc điều hành kiêm Phó Chủ tịch cấp cao của công ty Toshiba, Nhật Bản và cũng là người đứng đầu mảng kinh doanh số của hãng, đã chỉ ra rằng việc duy trì hòa bình thế giới đòi hỏi phải có sự cởi mở và trao đổi. Điều quan trọng nhất là phải trao đổi thông tin khoa học và công nghệ. Ông đề xuất rằng Trung Quốc và Nhật Bản có thể ngày càng mở cửa hơn với nhau và đạt được sự đồng thuận thông qua trao đổi cởi mở và trung thực.
Về hoạt động trao đổi thông tin đa ngôn ngữ và đa văn hóa, Jiang Tao, Phó chủ tịch cấp cao của công ty TNHH iFlytek lưu ý rằng phạm vi hợp tác giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo sẽ rất rộng. Ông cũng đã đưa ra một ví dụ. Vào tháng 10/2018, Quỹ Eiken của Nhật Bản lần đầu tiên công bố sẽ giới thiệu công nghệ đánh giá bằng máy trong bài thi nói của môn ngoại ngữ và iFlytek vinh dự là đối tác duy nhất của Quỹ này. Bắt đầu từ năm 2019, hệ thống chấm điểm tự động AI do iFlytek cung cấp giúp cải thiện độ chính xác và hiệu quả của công tác chấm điểm trong bài kiểm tra kỹ năng tiếng Anh thực hành CBT. "Hiện tại, các máy phiên dịch iFlytek đã có mặt tại hơn 130 quốc gia, khu vực và đã đạt được khả năng giao tiếp không rào cản ở hơn 60 ngôn ngữ. IFlytek đã trở thành nhà cung cấp độc quyền chính thức về công nghệ chuyển đổi giọng nói và dịch thuật tự động cho Thế vận hội mùa đông và Paralympic Bắc Kinh 2022. Chúng tôi hy vọng rằng công nghệ AI của mình cũng có thể đóng góp vào sự thành công của Thế vận hội Tokyo trong năm tới".
Ông Jia Jingdun, Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp Công nghệ Cao Torch của Bộ Khoa học và Công nghệ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đề xuất rằng các khu phát triển công nghiệp công nghệ cao của Trung Quốc cần cung cấp một môi trường tốt cho đổi mới công nghệ số và phát triển công nghiệp. 169 khu phát triển công nghiệp công nghệ cao cấp quốc gia cần chú trọng vào phát triển kinh tế số. Trong những năm gần đây, hàng chục khu công nghệ cao quốc gia như Tây An, Hợp Phì, Hàng Châu và Thẩm Dương đã xây dựng các kế hoạch tương ứng cho nền kinh tế số hoặc phát triển công nghiệp số.
Ông Jia cũng đã đưa ra một số đề xuất về mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Thứ nhất, những điểm khác biệt không được làm hạn chế sự hợp tác giữa hai bên. Xét đến quan hệ hợp tác Trung-Nhật không vi phạm các luật hiện hành, việc nêu ra các mối lo ngại có thể xây dựng một điểm khởi đầu cho sự hợp tác sâu rộng hơn; Thứ hai, Trung Quốc và Nhật Bản có thể hợp tác thực tế trong việc phát triển nền kinh tế và công nghiệp số, đồng thời tiếp tục đề xuất những giải pháp cụ thể cho các mối quan tâm của cả hai bên; Thứ ba, cần thực hiện trao đổi và hợp tác đa cấp bậc giữa chính phủ, trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp.
Ông Liu Song cũng đã có phản hồi về lời đề xuất này. Ông nói rằng: "Chúng ta cũng có thể áp dụng mô hình "đặc khu" trong các khu phát triển công nghiệp công nghệ cao và các khu thương mại tự do để liên tục thảo luận và sau cùng là xây dựng các quy định mà hai bên đã thống nhất."
Ông Norihiro Suzuki lưu ý rằng trong hợp tác phát triển số, việc chia sẻ các quan niệm và giá trị xã hội của nhau cũng rất quan trọng. Cả hai bên cần xây dựng các quy tắc cho luồng dữ liệu trên cơ sở các giá trị chung và áp dụng chúng một cách hiệu quả hơn để hồi sinh các doanh nghiệp tư nhân, từ đó thúc đẩy sự phát triển của xã hội số trong tương lai.
Các khách mời của cả hai bên cũng thảo luận về logic vốn có của tiền tệ số và hội nhập kinh tế của khu vực trong tương lai. Ông Hiromi Yamaoka, Giám đốc Công ty TNHH Future, Nhật Bản, chỉ ra rằng Nhật Bản sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc và tiếp tục thúc đẩy sự phát triển đồng bộ của kinh tế khu vực.
Ông Xu Zhiyu nhấn mạnh: "Huawei luôn tôn trọng các giá trị của khách hàng và kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo ra giá trị tại mỗi quốc gia trên toàn thế giới, bao gồm cả Nhật Bản. Cả Trung Quốc và Nhật Bản đều có lợi thế về công nghiệp và tinh thần đổi mới. Các công ty Nhật Bản và Huawei sở hữu những lợi thế tự nhiên có thể bổ sung cho nhau liên quan đến chuỗi cung ứng và công nghệ. Sự hợp tác cởi mở giữa các công ty Trung Quốc và Nhật Bản có thể giúp hai bên cùng kiến tạo một tương lai số. Ngoài ra, để đảm bảo cho sự phát triển của nền kinh tế số tại Trung Quốc và Nhật Bản, cần phải duy trì một môi trường công nghiệp tốt và ươm mầm những tài năng sáng tạo. Trung Quốc và Nhật Bản được kỳ vọng sẽ có thể tạo ra một môi trường chính sách cởi mở hơn, khuyến khích đổi mới sáng tạo, giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa của hai quốc gia hợp tác ngày càng sâu rộng hơn, từ đó cùng nhau cung cấp các giải pháp và sản phẩm cạnh tranh nhất cho thị trường thế giới".