BẮC KINH, 03/12/2021 /PRNewswire/ -- Nguồn lợi thủy sản biển đang liên tục suy giảm.
Theo báo cáo phân tích về quần thể tự nhiên của các loài kinh tế biển do Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc thực hiện, từ năm 1974 đến năm 2015, tỷ lệ quần thể thủy sản toàn cầu đạt trạng thái bền vững về mặt sinh học đã giảm từ 90% xuống còn 66,9%. Hiện nay, khoảng 33,1% quần thể thủy sản đang bị khai thác quá mức và ở trạng thái không bền vững về mặt sinh học.
Suy giảm tài nguyên đã tác động đến sự phát triển của ngành thủy sản thế giới và phá vỡ thế cân bằng của hệ sinh thái trên trái đất, từ đó càng làm nổi bật thêm tầm quan trọng của hợp tác quốc tế tích cực để bảo tồn nguồn lợi thủy sản biển.
Năm 2017, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đã ký biên bản đánh dấu sự hợp tác trong việc cải thiện, phóng thích và bảo tồn nguồn lợi thủy sản ở Vịnh Bắc Bộ. Kể từ tháng 5/2017, hai bên đã tổ chức thành công 4 hoạt động chung tại Lục Khẩu, thành phố Đông Hưng, Quảng Tây và Vịnh Hạ Long, Việt Nam trên vùng biển biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Trung Quốc và Việt Nam đã hoàn thành kế hoạch nhân giống và phóng thích nhiều loại cá tại vùng vịnh, bao gồm cá tráp biển đỏ, cá tráp đen, cá hồng, cá mú vàng, tôm đuôi đỏ và cá thông Mogi, với tổng số lượng lên tới hơn 140 triệu con.
Theo giám sát và đánh giá sơ bộ của Viện Nghiên cứu Thủy sản Biển Đông thuộc Viện Khoa học Thủy sản Trung Quốc, tỷ lệ cá tráp đen bị bắt lại đạt 17,29%, tỷ lệ tôm đuôi đỏ bắt lại 32,19%, tỷ lệ đầu vào trên đầu ra trực tiếp là 1:5,59. Nỗ lực bảo tồn chung của Trung Quốc và Việt Nam không chỉ thúc đẩy hiệu quả của quá trình phục hồi nguồn lợi thủy sản trong khu vực vịnh, mà còn cải thiện thu nhập cũng như đời sống của ngư dân hai nước, góp phần phát triển bền vững ngành nghề thủy sản tại khu vực này.
Nhà nghiên cứu Sun Dianrong đang làm việc tại Viện Nghiên cứu Thủy sản Biển Đông thuộc Học viện Khoa học Thủy sản Trung Quốc, cho biết: "Khác với sông, hồ và các vùng nước ngọt khác, chúng ta cần xem xét nhiều điều kiện môi trường hơn trong quá trình phát triển bổ sung và phóng thích các loại cá vào đại dương, chẳng hạn như độ mặn của nước, thủy triều, địa chất đáy biển và các yếu tố tự nhiên khác trong khu vực".
Hệ sinh thái biển rất phức tạp, các loài sinh vật được phóng thích có thể là loài ăn lọc, ăn tạp hoặc thậm chí là ăn thịt. Do vậy, ta cần phải cân nhắc tác động của việc phóng thích cá đối với chuỗi thức ăn hiện có và môi trường sinh thái, cũng như sức chứa của môi trường tại vùng biển muốn phóng thích. Đồng thời, quy mô hoạt động của các loài cá này có thể sẽ mở ra rất rộng do vùng biển không bị hạn chế. Khi phóng thích, các nhà nghiên cứu cần cân nhắc đến tính hiệu quả của hành động này đối với nền kinh tế địa phương cũng như khả năng hồi phục quần thể cá tại địa phương.
Ngoài những cân nhắc về mặt kỹ thuật, trước mỗi lần phóng thích chung, hai bên cũng cần phải xem xét kỹ địa điểm, đối tượng tham gia sự kiện và thiết lập của quá trình tổ chức sự kiện.
Đại dịch COVID-19 đã đặt ra nhiều thách thức, nhưng may mắn thay, công nghệ hiện đại đem tới một số giải pháp hữu hiệu. Ông Sun cho biết thêm: "Dự án sẽ đào tạo kỹ thuật bảo tồn nghề cá cho những người làm nghề cá Việt Nam. Tuy nhiên, đại dịch bùng phát đã khiến kế hoạch đào tạo tiếp phải tổ chức dưới hình thức giảng dạy trực tuyến từ xa".
Trong tương lai, ông Sun và nhóm nghiên cứu của mình mong muốn được trao đổi và hợp tác sâu hơn nữa với Việt Nam nhằm tăng cường phục hồi môi trường sống, phát triển đồng cỏ biển nhân tạo, thiết lập hạn ngạch đánh bắt cá và giúp ngư dân chuyển đổi nghề nghiệp.
Thực tiễn chung của Trung Quốc và Việt Nam đang đặt ra nhu cầu tìm kiếm một mô hình quản lý phù hợp cho việc bảo tồn và sử dụng các nguồn lợi thủy sản đặc trưng ở Vịnh Bắc Bộ. Điều này sẽ không chỉ thúc đẩy nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ phát triển bền vững, mà còn trở thành ví dụ điển hình cho nỗ lực hợp tác quốc tế trong việc khôi phục nguồn lợi thủy sản của thế giới.